CHÀO MỪNG NĂM HỌC MỚI

2024 - 2025

Trường học thân thiện

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo!

Kính thưa quí vị đại biểu!

Kính thưa các thầy cô giáo!

Được sự chỉ đạo của phòng GD&ĐT quận Sơn Trà, hôm nay trường THCS Nguyễn Chí Thanh xin phép được trình bày báo cáo tham luận về “Lãnh đạo nhà trường với biện pháp xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn và công tác chăm sóc, phát huy các giá trị di tích lịch sử,văn hoá, cách mạng địa phương”.

Kính thưa hội nghị!

Phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được Bộ GD & ĐT triển khai trong toàn ngành và hoạt động trong giai đoạn 5 năm (từ 2008 đến 2013). Qua đó, các cơ sở giáo dục phổ thông phải xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu của xã hội đặc biệt là học sinh phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và trong các hoạt động xã hội, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Hưởng ứng chỉ thị 40 của Bộ GD & ĐT, trường THCS Nguyễn Chí Thanh đã triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường

Trường THCS Nguyễn Chí Thanh hiện có 29 lớp với hơn 990 học sinh. Trường nằm trên địa bàn phường Mân Thái - quận Sơn Trà– thành phố Đà Nẵng. Do địa bàn dân cư nằm ven biển, phần lớn dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản với phương tiện cơ giới công suất nhỏ nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nhận được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của phòng GD & ĐT quận Sơn Trà, UBND phường Mân Thái, sự quan tâm ủng hộ, sự đồng thuận của các ban ngành đoàn thể ở địa phương cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể ở trường và hội cha mẹ học sinh trong các năm qua, trường THCS Nguyễn Chí Thanh đã đạt được thành tích tốt trong việc tham gia phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hơn nữa, trường còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình cũng như quyết tâm thực hiện của cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên và học sinh. Chúng tôi nghĩ đây cũng chính là điều thành công nhất mà trường đã đạt được trong quá trình tham gia phong trào.

Trong hội nghị này, chúng tôi xin phép được báo cáo những gì mà trường đã làm được trong công tác xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn và công tác chăm sóc, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng địa phương.

1/Thứ nhất, về công tác xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn chúng tôi đã tiến hành như sau:

Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức giữ gìn trường lớp xanh, sạch, đẹp bằng cách: Tổ chức tốt lao động vệ sinh phòng học hàng ngày; thực hiện “Ngày chủ nhật xanh”; xây dựng “Đoạn đường em chăm” từ cổng trường đến giáp đường Trương Định.

Không viết, vẽ bậy lên tường, bàn ghế; xem lớp học là ngôi nhà thân thiện của mình sống và học tập hàng ngày. Thực hiện tốt việc phân loại rác và việc cung cấp nước lọc tinh khiết đảm bảo chất lượng nước sạch cho học sinh. Đảm bảo an toàn giao thông, nề nếp trước cổng trường, không có hàng rong lấn chiếm cổng trường. Tiếp tục phát động giáo viên, học sinh trồng và chăm sóc các loại cây xanh, cây kiểng, trồng cây tạo bóng mát trong sân trường. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tiến hành động viên nhắc nhở các em tham gia sinh hoạt, vui chơi lành mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất đi đến loại bỏ hoàn toàn những mâu thuẫn, những trò chơi nguy hiểm trong học sinh.

Nhằm tạo điều kiện cho các em có môi trường không gian học tập tốt nhất, nhà trường đã tổ chức trang hoàng lớp học đẹp, khoa học: Lớp học có đầy đủ ánh sáng, bảng chống loá, bàn ghế phù hợp với học sinh THCS. Thực hiện tốt phong trào “Lớp tự quản”, 100% lớp học có đủ diện tích theo quy định. Trường có 02 phòng bộ môn ghép: Hoá– Sinh, Lý– Công nghệ, phòng vi tính được kết nối Internet, thực hiện có đầy đủ sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ bạn đọc, phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Thực hiện tốt đồng phục học sinh, đảm bảo tính trẻ trung, năng động của tuổi học trò. Sắp xếp nơi để xe của giáo viên và học sinh gọn gàng, khang trang, đặt tại  nơi hợp lí, ít ảnh hưởng đến cảnh quan chung của nhà trường. Tuyên truyền và thực hiện tốt chủ trương “3 đủ”: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở  và vận động giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học.

2/ Thứ hai, về công tác chăm sóc, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng địa phương, chúng tôi đã thực hiện như sau:

Chúng tôi tổ chức cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương. Đây là mặt mạnh trong việc triển khai phong trào ở thời gian qua. Việc này đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử, làm cho học sinh hiểu, thấm nhuần đi đến tôn vinh giá trị văn hoá dân tộc từ hoạt động thực tiễn.

Nhà trường đảm nhận và chăm sóc di tích lịch sử tượng đài liệt sĩ phường Mân Thái. Thường xuyên tổ chức cho học sinh quét dọn, chăm sóc, góp phần làm cho quang cảnh nơi đây ngày càng sạch đẹp hơn, tôn nghiêm hơn. Tuyên truyền giới thiệu các di tích của địa phương với bạn bè, cộng đồng dân cư và khách du lịch.

Tổ chức tuyên truyền giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và tinh thần cách mạng được thực hiện thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong giờ chủ nhiệm, tiết chào cờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt ngoại khoá cũng như thông qua chương trình phát thanh măng non. Ngoài ra, thư viện trường thông qua chủ điểm hàng tháng tổ chức cho học sinh tham gia thi tìm hiểu về sách. Nhà trường cũng đã tổ chức tốt lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long– Hà Nội nhằm tái dựng lại thủ đô Việt Nam qua các thời kì lịch sử để hoà vào không khí đại lễ chung của đất nước và khơi dậy hào khí, tinh thần dân tộc cho học sinh.

Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho đại diện học sinh các lớp tham quan các di tích lịch sử như: Đền Thoại Ngọc Hầu, bảo tàng quân khu V nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Tổ chức cho đội tuyển học sinh giỏi tham quan nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại nội, chùa Thiên Mụ ở Huế.

Để hoàn thiện nhân cách cho học sinh, nhà trường đã phát động các phong trào “Không nói tục, chửi thề”, “Gọi bạn xưng tên”, “Kính trên nhường dưới, lễ phép với thầy cô giáo, người lớn tuổi” thông qua đề án “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá vùng biển quận Sơn Trà”.

3/ Đánh giá chung:

Nhìn chung, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ cán bộ giáo viên đến học sinh. Đối với giáo viên, các thầy cô giáo nêu cao tinh thần “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu” “Tất cả vì học sinh thân yêu”, mọi hoạt động giáo dục trở nên nhẹ nhàng, vui tươi, hấp dẫn người học.Trường học gắn bó mật thiết với địa phương và có chất lượng giáo dục toàn diện với hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng cao. Qua đó, môi trường trường học thân thiện, học sinh cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khoá, trong các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể để “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

4/ Kết luận:

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa các thầy cô giáo!

Trên đây là báo cáo tham luận của trường THCS Nguyễn Chí Thanh. Có thể những gì trường chúng tôi làm được chưa nhiều và tất nhiên sẽ còn những hạn chế nhất định nhưng hi vọng sẽ đem đến một số kinh nghiệm cho các thầy cô ở trường bạn trong việc tổ chức phong trào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong rằng qua buổi hội nghị này sẽ nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo để được trau dồi và học hỏi thêm nhằm giúp cho phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của nhà trường ngày càng hiệu quả hơn.

Cuối cùng, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và các thầy cô giáo dồi dào sức khoẻ. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào./.

Nguyễn Thị Bích Phượng.

Chào mừng các bạn đến với Website của Trường THCS Nguyễn Chí Thanh - Đà Nẵng